CHIA SẺ VỀ CÔNG VIỆC HIỆN TẠI

Tính đến thời điểm hiện tại, mình đã làm việc hơn nửa năm. Công ty mình là một công ty chuyên về thiết kế và xây dựng của Nhật Bản.

Chuyện sẽ không có gì đáng kể với một chàng trai đã tốt nghiệp ngành kiến trúc, ra trường và đi làm để tự nuôi bản thân. Nhưng không, mình là người khiếm thính. Nói một cách nhẹ nhàng hơn, mình nghe không tốt bằng mọi người, như các bạn cận thị thì không nhìn tốt như người bình thường.

Trần Công Thành bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại Đại học Văn Lang TP.HCM.

 

Chắc hẳn mọi người sẽ đặt câu hỏi: sao một người khiếm thính lại làm được trong môi trường công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty Nhật? Môi trường làm việc của Công ty Nhật đòi hỏi tính chính xác và kỉ luật cao. Đặc biệt kĩ tính trong khâu tuyển chọn đầu vào?

Có lẽ tâm lý của người Việt Nam thường tỏ ra e dè và thẩn trọng khi lựa chọn một ứng viên là người khuyết tật. Họ hoài nghi về khả năng hoàn thành công việc cũng như hòa nhập của ứng viên đó. Điều này vô tình kìm hãm sự tự tin hòa nhập cộng đồng của ứng viên là người khuyết tật.

Lúc mới vào phỏng vấn, mình cũng hồi hộp và lo lắng, họ cũng phỏng vấn mình như bao ứng viên khác thôi và mình trả lời rõ ràng và thành thật. Trong buổi phỏng vấn họ có hỏi: “em hãy nêu ưu, nhược điểm của bản thân?”

Mình trả lời: Ưu điểm của em là chăm chỉ, cầu tiến và chịu khó trong công việc. Nhược điểm của em là tai nghe rất kém, gây hạn chế giao tiếp.

Lúc ấy sếp người Nhật nói: nghe kém chỉ là 1 trở ngại nhỏ, không phải là nhược điểm. Nhược điểm sẽ nằm ở chỗ khác, bạn có những nhược điểm nào khác ko?

Mình trả lời: Dạ, em làm việc rất chậm và từ tốn. Dù gì đi nữa thì sao một thời gian làm việc, tự bản thân em sẽ có điều chỉnh để thích nghi với công việc thật tốt.

Kết thúc phỏng vấn, bạn biết không, họ chọn mình vào làm trong sự ngỡ ngàng của chính mình. Rõ ràng, công ty không quan tâm bạn là người khuyết tật hay không, họ chỉ quan tâm bạn có chịu khó làm việc được hay không.

Công việc của mình là phục dựng mô hình công trình trên máy tính để sản xuất bản vẽ kĩ thuật, làm phim và thông tin công trình cho dự án bên Nhật Bản. Vì vậy, chủ yếu là vẽ và vẽ hàng ngày và liên tục. Có giao tiếp với đồng nghiệp trong họp nhóm, họp tổ và họp Công ty. Các đồng nghiệp đều biết mình nghe kém nên họ rất vui vẻ giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình hòa nhập và làm việc thật tốt.

Tất nhiên, công ty mình chỉ là một trong số hàng triệu công ty trên đất nước Việt Nam này, mỗi công ty sẽ có văn hóa ứng xử khác nhau. Điều mình muốn nói là: “Bạn hãy bỏ qua mặc cảm bản thân, cứ làm những điều mình thích, đừng ngại ngùng vì những khiếm khuyết và cứ bày tỏ quan điểm của mình. Như vậy cơ hội mới đến được tay bạn, là người khuyết tật, bạn vẫn nên tự lập và làm chủ bản thân. Khi có khó khăn, tự nhiên sẽ có những hỗ trợ cho bạn theo một cách nào đó từ những con người xung quanh. Đó là cách mà cuộc sống ban cho bạn.”

Trần Công Thành tại công trường.

—————-
Trần Công Thành đã chọn dịch vụ cấy ốc tai điện tử Oticon tại Công ty Quang Đức. Trước đó, bạn Thành cũng sử dụng máy trợ thính và dịch vụ hiệu chỉnh tại công ty Quang Đức trong suốt thời gian học đại học. Ca cấy ốc tai điện tử của Thành thực hiện thành công. Tập thể công ty Quang Đức chúc bạn Thành mở máy thành công và gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp trong công việc.