CHINH PHỤC GIẢNG ĐƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA CHÀNG TRAI KHIẾM THÍNH

Mình tên là Trần Công Thành, nhân dịp sau khi mình đã tốt nghiệp Đại học, mình có chút chia sẻ nhỏ dành cho các bạn khiếm thính có băn khoăn về sự lựa chọn tương lai cho mình, để các bạn có thể đưa ra quyết định tốt nhất cho bản thân về dự định cho cuộc sống của các bạn.


Năm lớp 12, mình khá là nhút nhát trong quyết định nghề nghiệp tương lai cho bản thân, mình tìm hiểu thông qua kênh trắc nghiệm chọn nghề, tư vấn của thầy cô , gia đình, từ bậc đàn anh chị đi trước, các kênh thông tin trên mạng, trên báo khá nhiều lần. Sự lựa chọn luôn luôn thay đổi : từ giáo viên, bác sĩ, kĩ thuật viên … Lúc đó, mình luôn tự ti rằng người khiếm thính nghe đã khó huống chi làm việc. Sau nhiều lần cân nhắc, mình đã chọn ngành Kiến trúc.

Ngành kiến trúc là ngành có thời gian học lâu nhất, chỉ sau ngành Y, có thời lượng vẽ đồ án nhiều nhất, chi phí đầu tư học tập cao nhất… mình chỉ gói gọn một câu là: tốn kém lắm. Nhưng chi phí không hẳn là vấn đề lớn. Đối với người khiếm thính, ngành này gặp đòi hỏi giao tiếp ở mức độ chuyên môn cao. Mình ví dụ, khi bạn làm đồ án nhóm, bạn phải trao đổi được với thành viên trong nhóm về đề xuất của mình, đứng thuyết trình đồ án trước hội đồng. Bạn phải biết cách phản biện và thuyết phục người ta chấp nhận phương án của bạn, nếu bạn nghe không tốt thì sao có thể hiểu thầy cô chất vấn gì. Cho nên đối với người khiếm thính, ngành kiến trúc cũng là thử thách to lớn.

Ngoài ra, bạn phải bỏ rất nhiều thời gian từ giai đoạn sơ phác ý tưởng, lên ý tưởng bằng vẽ tay rồi vẽ trên máy tính, sau đó thể hiện hoàn chỉnh rồi in ra cho hội đồng xem. Với thời gian rất ngắn nên bạn phải bỏ rất nhiều công sức để kịp thời hoàn thành đồ án. Có nhiều ngày phải thức trắng đêm, quên ăn quên ngủ cho đứa con đồ án của mình sớm hoàn thành. Nhưng bù lại, khi thành phẩm đã ra đời, bạn sẽ cảm thấy cảm giác khoan khái như vừa khám phá một chân trời mỹ thuật mới. Sau mỗi đồ án là một lần vượt lên chính mình, bạn bè thân thiết và hiểu nhau hơn và trân trọng hơn những góp ý chân thành của giảng viên để một thế hệ Kiến trúc sư tương lai thêm vững vàng chuyên môn.

Nếu bạn vượt qua nỗi lo về học phí, sức khỏe và không ngại trong việc giao tiếp xã hội, mình hoàn toàn ủng hộ các bạn theo ngành kiến trúc. Chỉ cần bạn có 3 thứ quan trọng: óc sáng tạo – giao tiếp tốt và sự cần cù, chịu khó, chịu cháy hết mình.

Đây là những lời tâm sự, những kinh nghiệm về quá trình học kiến trúc mà mình muốn chia sẻ cùng các bạn khiếm thính khác, để các bạn hiểu cái khó khăn của bản thân để có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn. Chúc các bạn thành công với lựa chọn của mình nhé. Sắp tới mình sẽ viết một bài về quá trình phỏng vấn xin việc với tư cách là người khiếm thính cho mọi người cùng nghe. Cảm ơn mọi người!

Quý vị phụ huynh nào muốn được nghe chia sẻ kinh nghiệm của Trần Công Thành về suốt quá trình học tập từ phổ thông cho đến đại học. Vui lòng liên hệ số hotline 1800 1056 của công ty Quang Đức đăng ký tham dự. Dự kiến buổi chia sẻ sẽ diễn ra vào tháng 8 cho quý vị phụ huynh nào quan tâm.