CHUYỆN CŨ NHƯNG VẪN MỚI: CON TÔI CHẮC KHÔNG BỊ CÂM ĐIẾC ĐÂU

Một câu chuyện đã lâu của báo Tuổi Trẻ, Trợ Thính Quang Đức chia sẻ lại cho quý khách hàng về tầm quan trọng của tầm soát sớm thính lực ở trẻ em.

Thời gian qua nhanh, nhớ ngày nào mẹ đã đem con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác vì con không nghe được âm thanh, tiếng động xung quanh. Khi con 8-9 tháng, bác sĩ nói cơ quan thính lực của con chưa hoạt động bình thường, chờ lớn sẽ hết, mẹ đã hồi hộp chờ trong biết bao hi vọng…

Rồi con 2 tuổi, 3 tuổi. Bệnh viện lúc đó lại chưa có máy đo thính lực dành riêng cho trẻ nhỏ, máy lớn thì nếu đo bé lại không biết hợp tác! Mẹ đã cố gắng thử hết mọi cách. Thế rồi một ngày đáng ghét kia, mẹ đã ngồi chết lặng ôm con vào lòng, nước mắt tuôn như mưa cố van nài: “Bác sĩ ơi, xin xem kỹ lại đi, con tôi chắc không bị câm điếc đâu! Bác sĩ giúp giùm con tôi đi mà!”…

Con lên 6, mẹ cho con vào học Trường khiếm thính Hi Vọng Bình Thạnh (TP.HCM), nơi con đã gắn bó với trường suốt chín năm cùng các bạn, được thầy cô dạy dỗ, học hỏi biết bao điều từ văn hóa đến hòa nhập cộng đồng. Mẹ biết ơn cô Thân (hiệu trưởng), cô Loan, cô Dung, cô Hạnh… Đây là một môi trường giáo dục tốt có chuyên môn.

Học xong lớp 7, con chuyển sang học vi tính đồ họa rồi xin đi làm. Thời gian này lắm gian nan, khuyết tật của con gặp nhiều trở ngại trong công việc, có lúc con làm cả việc in vi tính làm panô quảng cáo, về đến nhà là tay chân đầu tóc con dính đầy màu, mỗi lần dàn máy xả hơi nóng là con sặc sụa chạy ra ngoài…

Con đi sinh hoạt thêm với cộng đồng người khiếm thính, tham gia Trung tâm DRD (Khuyết tật và phát triển), được cô Hạnh tận tình chỉ dạy, yêu mến. Trường đại học Văn Lang có mở khóa dạy về kiến thức đồ họa cho người khuyết tật, cô Hạnh đã giới thiệu cho con vào học. Sau khi nhận bằng sơ cấp kiến thức đồ họa con đi xin việc cũng lại gặp trở ngại, người ta bảo không thể nói chuyện được với con, cũng không có thời gian để ghi việc ra giấy cho con. Thấy con thất vọng buồn phiền mẹ cũng hơi lo.

Nhưng con đã không nản lòng, con được nhận vào làm cho một công ty ở công viên phần mềm Quang Trung. Con có việc làm ổn định mẹ cũng an tâm hơn vì con đã trưởng thành, sống có ích cho xã hội. Bây giờ mẹ đang chờ đón ngày con có một mái ấm gia đình hạnh phúc của riêng con đó con trai.

Phát hiện điếc từ lúc trẻ 1 tuổi giúp điều trị hiệu quả hơn

Trao đổi về bệnh điếc bẩm sinh (còn gọi nghe kém bẩm sinh) ở trẻ nhỏ, bác sĩ Lê Trần Quang Minh – phó giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM – cho biết nguyên nhân của điếc bẩm sinh là do trẻ bị tổn thương cơ quan thính giác ngay từ lúc còn là bào thai, khiến vừa sinh ra đã bị giảm thính lực.

Việc phát hiện sớm điếc bẩm sinh rất quan trọng vì giúp can thiệp sớm và có hiệu quả cho trẻ bị bệnh. Cha mẹ và người thân chú ý thực hiện sớm các biện pháp đánh giá điếc bẩm sinh ở trẻ dưới 1 tuổi. Cụ thể, khi trẻ được 2-3 ngày sau sinh, người nhà có thể dùng tiếng vỗ tay, tiếng gõ nồi, chảo hay bất kỳ vật gì phát ra tiếng động lớn để kiểm tra. Khi có tiếng động, nếu nghe bình thường trẻ sẽ đáp ứng qua các phản xạ như: trẻ đang ngủ sẽ thức giấc hoặc trẻ sẽ chớp mắt, giật mình, cử động tay chân… Với trẻ từ vài tháng đến 1 tuổi, nếu nghe bình thường trẻ đã biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng tiếng động phát ra từ các đồ chơi hoặc khi nghe các tiếng quá to trẻ sẽ giật mình, thức giấc và khóc. Trên 1 tuổi trẻ bắt đầu bập bẹ tập nói, nếu đến độ tuổi này mà không thấy trẻ có dấu hiệu tập nói, nhiều khả năng trẻ bị điếc bẩm sinh. Nếu phát hiện trẻ không có các phản xạ nghe nêu trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa tai mũi họng.

Điều trị điếc bẩm sinh cho trẻ cần được thực hiện ngay từ lúc trẻ được 1 tuổi, bằng hai biện pháp chính là phục hồi chức năng nghe và huấn luyện nghe, nói. Cụ thể, để phục hồi chức năng nghe, bác sĩ sẽ chỉ định cho đeo máy trợ thính với những trẻ bị điếc trung bình và trung bình – nặng. Trẻ điếc nhẹ có thể tập cho nghe tiếng nói to và đọc môi để bắt chước nói theo. Trẻ bị điếc nặng hay điếc đặc sẽ thực hiện cấy điện cực ốc tai.

 

Nguồn: Tuổi Trẻ Online