NỖI LO BÉ YÊU BỊ KHIẾM THÍNH

Vì sao trẻ bị khiếm thính?


Có nhiều lý do khiến trẻ bị khiếm thính nhưng các bác sĩ thường chú ý đến những nguyên nhân sau:
– Khi mang thai: Nếu mẹ bị viêm nhiễm Rubella lúc thai nghén thì chắc chắn khi sinh ra, con cũng sẽ bị khiếm thính. Đặc biệt, nếu người mẹ có sử dụng thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid như Streptomycin, Dihydrostreptomycin, Neomycin, Kanamycin… sẽ gây độc với ốc tai thai nhi. Ngoài ra, mẹ bị nhiễm các chất độc như thuốc chữa bệnh, rượu, thuốc lá, ma túy… cũng là nguyên nhân khiến con bị khiếm thính.
– Trong quá trình sinh: Các tai biến trong quá trình chào đời như sinh non, ngạt thở, sinh khó, bị vàng da… đều có thể dẫn đến nguy cơ trẻ bị khiếm thính.
– Khi trẻ chào đời: Trẻ sinh ra bị các bệnh như viêm màng não, viêm phổi, viêm tai, nhiễm độc… ảnh hưởng tới tai trong do độc tố của một số vi khuẩn gây bệnh, các thuốc phải sử dụng như kháng sinh gentamycin, neomycin…
Bên cạnh đó, yếu tố di truyền ở bố mẹ hoặc ông bà (bị khiếm thính) thì lúc sinh ra, khả năng trẻ cũng dễ mắc hiện tượng nghe kém.

Cách phát hiện
Từ tháng thứ tư trở đi, bé có thể nhận biết được các âm thanh xung quanh. Sự nhận biết này sẽ phát triển theo tuổi của trẻ. Để kiểm tra xem bé có bị khiếm thính hay không, người lớn có thể tạo ra những tiếng động lớn, nếu trẻ quay đầu về hướng phát ra âm thanh, thính giác của bé hoàn toàn bình thường. Đến sáu tháng tuổi, trẻ bắt đầu bập bẹ nói. Từ 7 đến 9 tháng tuổi, trẻ đã có khả năng cầm được một đồ vật trên tay, và rất thích vỗ hai tay vào đồ vật cho kêu và bắt đầu có thể bập bẹ gọi bố, mẹ… Nếu trẻ không có những biểu hiện trên, bạn nên đưa bé đi khám ngay. Ngoài ra, khi thấy trẻ có một trong các dấu hiệu sau, cha mẹ cần lưu ý và đưa bé tới bệnh viện để kiểm tra xem trẻ có nghe kém không:

– Không phản ứng với tiếng động lớn đột ngột.
– Không bị đánh thức bởi tiếng ồn.
– Không xoay đầu theo hướng giọng nói của người thân.
– Không làm theo hoặc không hiểu các hướng dẫn của bạn.
– Khó khăn trong phát triển ngôn ngữ.
– Nói to hoặc không sử dụng kỹ năng ngôn ngữ thích hợp theo tuổi.

Phòng ngừa thế nào?
Muốn phòng tránh cho trẻ khỏi bị khiếm thính, cần làm tốt các việc sau:

* Tiêm Phòng: Cho con tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ, thận trọng khi dùng thuốc cho trẻ, tuyệt đối tránh các loại thuốc gây ngộ độc cho tai, khám và điều trị triệt để các nhiễm khuẩn tai, dùng dụng cụ bảo hộ lao động và cải thiện điều kiện lao động tránh tác hại của tiếng ồn…
* Khi mang thai: Chích ngừa Rubella cho phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, tránh dùng các thuốc kháng sinh, đặc biệt là những loại thuốc thuốc nhóm aminoglycosid.
* Chăm sóc trẻ: Khi chăm sóc tai cho trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, cha mẹ lưu ý phải hết sức cẩn trọng  không nên dùng tăm bông để lấy ráy tai cho bé thường xuyên. Chỉ một sơ suất nhỏ của bạn có thể đẩy ráy tai vào sâu bên trong hoặc gây tổn thương tai trong, gây đau đớn và làm giảm khả năng nghe của trẻ.
* Hạn chế dùng tai nghe:  Bé dùng tai nghe thường xuyên cũng có thể gây giảm thính lực. Vì thế, nếu bé muốn nghe nhạc, chơi game hay học tiếng Anh, bạn khuyến khích con mở loa vừa phải và nghe bằng loa ngoài. Ngay cả khi dùng điện thoại, mẹ cũng tập cho con nghe loa ngoài, hoặc nghe trong thời gian ngắn. Không để bé tự do dùng tai nghe với bất kỳ lý do gì trong một thời gian dài, hoặc buôn điện thoại. Hạn chế, tránh để bé nghe bằng tai ngoài với những âm thanh lớn thường xuyên, có thể giảm thính lực vĩnh viễn.
* Trang sức đeo tai:  Đối với bé gái, không nên cho sử dụng các loại trang sức đeo tai qúa sớm, đặc biệt loại hoa tai bằng nhựa hoặc không rõ nguồn gốc chất liệu dễ gây nhiễm trùng lỗ tai của trẻ.
* Tạo môi trường không ồn ào: Tiếng ồn là một trong những thủ phạm gây giảm thính lực cho trẻ em. Vì vậy, hãy tạo môi trường yên tĩnh cho trẻ. Trong phòng có trẻ, nên vặn nhỏ 1 – 2 nấc chỉnh âm của vô tuyến, đài… so với mức người lớn thường nghe, không đặt các máy gây ồn, không xô đẩy đồ đạc, quát tháo, nói cười quá to.Điều trị bệnh
Trẻ bị khiếm thính do di truyền hay bẩm sinh thì có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Còn  trẻ bị khiếm thính do mắc bệnh quai bị, chấn thương đầu, viêm tai giữa, viêm màng não… cũng có thể chữa khỏi nhưng mất nhiều thời gian và khó khăn hơn. Tuỳ thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây khiếm thính, các bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau. Nếu trẻ bị bệnh lý ở ống tai ngoài thì nhất định phải điều trị viêm ống tai ngoài. Nếu bị viêm tai giữa, trẻ sẽ được chỉ định phẫu thuật bệnh tích của tai giữa, vá lại phần màng nhĩ thủng. Trường hợp bị khiếm thính nặng, khiếm thính sâu không còn phương pháp cứu chữa được thì cha mẹ nên cấy ốc tai cho trẻ. Tuy nhiên, chi phí một lần cấy ốc tai rất cao (khoảng 500 triệu), rất khó khăn cho những gia đình có mức thu nhập trung bình. Nếu 1 tai tốt, 1 tai điếc đặc thì không cần cấy điện ốc tai mà người ta cấy đường xương ít tốn hơn nhiều,  chi phí khoảng 5 – 6 ngàn USD.
 

Thạc sĩ Thuý Minh cũng cho biết, trẻ bị khiếm thính càng được phát hiện sớm và điều trị kịp thời càng có khả năng phục hồi cao, nhất là dưới 2 tuổi. Do vậy, khi thấy con mình có dấu hiệu bị khiếm thính, cha mẹ phải cho trẻ đi khám ngay. Tại Hà Nội, có thể đưa trẻ đến BV Xanh Pôn, BV Tai Mũi Họng TƯ.  Tại TP.Hồ Chí Minh, có thể đến BV Tai Mũi Họng, BV Nhi Đồng 1… để khám bằng việc kiểm tra thính lực với kỹ thuật đo âm ốc tai (OAE) và đo đáp ứng thính giác thân não (ABR) để phát hiện tật khiếm thính ngay cả khi dưới 6 tháng tuổi. Kỹ thuật này được tiến hành khi trẻ đang ngủ hoặc nằm yên, không đau và rất an toàn.

Nguồn: Tường Lâm/bau.vn
*Vì tôn trọng tên gọi cho người khiếm thính, chúng tôi có thay đổi một số thuật ngữ. Mong tác giả và bạn đọc thông cảm.