PHÁT HIỆN LỜI NÓI KHÔNG NHƯ NHẬN THỨC LỜI NÓI

Bạn đã nghe nói một đứa trẻ bị giảm thính lực nên đeo công nghệ trợ thính (máy trợ thính hoặc ốc tai điện tử) phù hợp suốt cả ngày, mỗi ngày, phải không? Vâng – đúng đó. Nếu đây là lần đầu tiên bạn nghe thấy điều này, vui lòng ghi khắc điều này vào bộ nhớ của bạn. Nếu bạn muốn trẻ phát triển mạnh việc sử dụng lắng nghe và ngôn ngữ nói thì bạn cho trẻ phải mang công nghệ trợ thính phù hợp.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng (nặng – nhẹ) của sự giảm thính lực, đôi khi trẻ có thể nghe được mà không cần đeo máy trợ thính. Không có gì lạ khi nghe những câu chuyện về những người thân yêu trong thực tế đã đưa ra bài kiểm tra thính lực ngẫu hứng cho trẻ con sau khi trẻ được chẩn đoán là bị giảm thính lực. Ví dụ: Dì Nam gọi đứa bé bằng tên của bé: “Việt”, bé quay lại và đột nhiên vô hình trung dì Nam được xem như là một nhà thính học có ý kiến ​​về việc bé Việt có cần mang công nghệ trợ thính hay không. Điều dì ấy không hiểu là bé Việt có thể chỉ cần nghe giọng nói của dì ấy và phản ứng với sự hiện diện của giọng nói chứ không phải bé hiểu đó là tên của bé.

Sự thật là, nghe đủ tốt để phát hiện sự hiện diện của âm thanh không giống như nghe đủ tốt để hỗ trợ sự phát triển liên tục của ngôn ngữ nói.

Nói cách khác, đừng bị nhầm lẫn giữa một phản ứng của trẻ con về sự hiện diện của một giọng nói mà không có máy trợ thính, với việc nghe đủ tốt để học ngôn ngữ mà không cần có mang máy trợ thính trong thời gian dài.

Phát hiện lời nói là khả năng nhận thấy sự hiện diện của lời nói. Đúng đó. Nó xảy ra ở cấp độ thấp hơn nhận thức lời nói là: khả năng nghe, chuyển thông tin nghe được thành âm thanh có nghĩa để hiểu những thông tin thính giác ấy (những điều được nói). Một ví dụ ngắn gọn: bạn nghe thấy ai đó thì thầm điều gì đó, bạn quay lại nhìn. Đó là phát hiện lời nói. Nhận thức lời nói là biết những gì người đó nói. Như vậy phát hiện lời nói có đủ tốt cho sự phát triển liên tục của các kỹ năng ngôn ngữ và thành công trong học tập không? Dĩ nhiên là không.

Hãy để chúng tôi minh họa rõ hơn nữa qua điều này. Nếu tôi nói từ “phút” với một đứa trẻ bị giảm thính lực trung bình không đeo máy trợ thính, rất có thể bé sẽ biết tôi đã nói gì đó với bé (phát hiện lời nói). Bé hầu như chỉ nghe thấy nguyên âm trong tiếng đó (nguyên âm /u/) vì hai phụ âm /ph/ và /t/ là âm thanh rất nhỏ nhẹ, ở tần số cao, bé không nghe được. Hãy nghĩ về 3 tiếng khác có chứa nguyên âm /u/ (ví dụ: đút, rút, sút) thì bạn có thể biết được số lần mà bé không đoán ra – không chỉ ra đúng tiếng bé đã nghe khi bé không đeo máy trợ thính.

Hãy nghĩ về danh sách này: bút, bụt, bục, búp, cút, cúc, đút, đục, hút, húc, mút, múc, nút, rụt, rút, sút, sụt, tút, vút,… và còn nhiều những danh sách những từ tương tự nhau theo kiểu như thế nữa.

Nhận thức lời nói phức tạp hơn nhiều so với phát hiện lời nói. Nó đòi hỏi khả năng nghe âm thanh lời nói cùng với các kỹ năng nhận thức cần thiết để xử lý ngôn ngữ. Toàn bộ quá trình bắt đầu với khả năng nghe càng nhiều ngôn ngữ nói càng tốt nhằm cung cấp cho não bộ nhiều thông tin thính giác nhất có thể để nó làm được việc giúp cho những âm thanh chúng ta nghe được có nghĩa. Đây là lý do tại sao trẻ con ở mọi lứa tuổi cần phải được sử dụng công nghệ trợ thính phù hợp khi chúng cần phát triển kỹ năng nghe và nói.

Khi chúng tôi nói về việc đếm những điểm dB nghe được trên thính lực đồ có mang công nghệ trợ thính của trẻ, là chúng tôi muốn nói về việc trẻ nghe được gì khi mang công nghệ trợ thính. Với công nghệ trợ thính phù hợp, trẻ có thể sử dụng tốt hơn nhiều thông tin lời nói cần thiết để hiểu và sử dụng ngôn ngữ nghe và nói.

Nguồn:  từ The Daniel Brown Foundation.

Biên dịch: Bộ phận huấn luyện ngôn ngữ AVT – Trợ Thính Quang Đức

Tìm hiểu thêm: