LÃO THÍNH – GIẢM THÍNH LỰC NGƯỜI CAO TUỔI: PHÁT HIỆN SỚM, CẢI THIỆN ĐƯỢC

LÃO THÍNH – GIẢM THÍNH LỰC NGƯỜI CAO TUỔI: PHÁT HIỆN SỚM,
CẢI THIỆN ĐƯỢC

Tình trạng này thường xảy ra ở hai tai, đối xứng diễn tiến từ từ và không chữa khỏi được. Tuy thường gặp nhưng không nên cho rằng nghe kém là chuyện bình thường của tuổi già vì tình trạng này có thể cải thiện.

Điều đáng sợ nhất của lão thính chính là chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy tình trạng này đưa đến cảm giác cô độc, trầm cảm, lo lắng, lệ thuộc, và hậu quả là sút giảm sự khỏe mạnh về xã hội, chức năng và tâm lý của người cao tuổi.

Lão thính còn được ghi nhận là có liên quan đến sự suy giảm trí nhớ ở các cụ.

Do vậy, cần phát hiện sớm và có biện pháp giúp người già cải thiện khả năng nghe.

Giọng nữ không rõ bằng giọng nam

Lão hóa bộ máy thính giác thường được xem như là nguyên nhân chính. Một số yếu tố thường được gắn liền với tăng tần suất hoặc sự xuất hiện sớm của lão thính là các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nghiện bia rượu, tiếp xúc tiếng ồn lâu dài và sử dụng các thuốc gây độc cho tai. Tuy nhiên, điều cần phải được thầy thuốc loại trừ trước tiên chính là… ráy tai.

Ở một số người lớn tuổi không được chăm sóc đúng mức về khoản này, ráy tai có thể đóng dày và cứng ở ống tai ngoài khiến âm thanh giảm dẫn truyền đến bộ máy thính giác ở sâu bên trong tai.

Đối với tình huống này, nhiều khi chỉ cần làm sạch ống tai ngoài là đã giúp cải thiện đáng kể sức nghe.

Lão thính thường ảnh hưởng trước tiên các âm sắc cao như tiếng chim hay huýt sáo.

Bệnh nhân thường thấy giọng nữ nghe không rõ bằng giọng nam hoặc không nghe thấy tiếng reo lanh lảnh của điện thoại hay chuông cửa.

Sau đó, nghe kém có thể giới hạn ở đây hoặc diễn tiến đến các âm trầm.

Tiếp theo, người nhà sẽ thấy các cụ hay tăng âm lượng khi xem truyền hình hay nghe đài, thường to quá mức cần thiết so với các thành viên khác trong gia đình.

Khi nói chuyện, các cụ hay kêu nhắc lại vì nghe lõm bõm hoặc nghe không rõ hoặc có cảm giác như người đối thoại đang “lầm bầm” điều gì trong miệng.

Đặc biệt, thường hay nghe không rõ giữa đám đông, các cuộc gặp mặt nhiều người.

Theo thời gian, các cụ thường tự rút lui ra khỏi các giao tiếp xã hội vì ngượng ngùng hoặc ngược lại có thể có những phản ứng nóng nảy vì nghĩ rằng bị phân biệt hoặc do tâm lý phủ nhận sự bất lực.

Tình trạng giảm thính lực thường hai bên nhưng cũng có thể một bên, hoặc kèm theo ù tai.

Phòng ngừa

Thân nhân nên đưa các cụ đến khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được khám lâm sàng, loại trừ các nguyên nhân có thể nhẹ nhàng như ráy tai hoặc thậm chí có thể nặng như… u não.

Khảo sát thường được làm là đo thính lực và nhĩ lượng đồ. Một khi lão thính được chẩn đoán, máy trợ thính thường là giải pháp hiệu quả, mặc dù có nhiều loại máy khác nhau mà đôi khi bệnh nhân phải thử vài lần mới chọn được loại phù hợp.

Cấy điện cực ốc tai là biện pháp khi máy trợ thính không đạt hiệu quả mong muốn, tình trạng lão thính quá nặng hoặc máy trợ thính không đạt yêu cầu khi xem truyền hình, nghe điện thoại. Phẫu thuật này đã được thực hiện thành công ở nước ta từ vài năm nay chứ không còn là giấc mơ ngoài tầm tay.

Phòng ngừa có hiệu quả tốt nhất khi được khởi sự từ tuổi trẻ. Một số biện pháp có thể áp dụng để làm giảm nguy cơ xuất hiện của giảm thính lực tuổi già bao gồm:

• Tránh tiếng ồn trong thời gian dài tại nhà, chỗ làm và khi giải trí.

• Nếu tiếp xúc tiếng ồn thường xuyên tại nơi làm việc phải đeo dụng cụ bảo vệ tai (quan trọng vô cùng!).

• Sử dụng tai nghe (earphone) hợp lý: nghe âm thanh dưới 85 decibel, có khoảng nghỉ giữa các lần nghe, không mở volume quá 60% mức cực đại và không nghe quá 60 phút mỗi ngày, không đeo tai nghe nghe nhạc rồi… ngủ luôn, vặn nhỏ những bài hát có âm sắc cao, chuyển qua dùng headphone.

• Điều trị tốt các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.

• Dùng đúng liều những thuốc gây độc cho tai như kháng sinh aminoglycoside, lợi tiểu furosemide.

Nguồn: Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm/Tuoitre.vn