NGƯỜI KHIẾM THÍNH TRƯNG DỤNG LUÔN VỎ NÃO THÍNH GIÁC

Những người khiếm thính bẩm sinh sử dụng phần “nghe” ở não để cảm được những cái chạm và hình ảnh từ vật thể để bù đắp cho sự thiếu sót về khả năng nghe.

Theo nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san The Journal of Neuroscience, cho thấy những người điếc sử dụng phần gọi là “vỏ não thính giác” để xử lý các kích thích về thị giác và xúc giác nhiều hơn các cá nhân có đầy đủ giác quan.

                                      Người khiếm thính tận dụng phần vỏ não thính giác cho các giác quan khác

“Cuộc nghiên cứu này cho thấy cách bộ não có khả năng tự kết nối lại theo nhiều cách hết sức ấn tượng”, theo tiến sĩ James Battey, Giám đốc Viện Quốc gia Điếc và Các rối loạn giao tiếp khác (Mỹ).

Chuyên gia Mỹ khẳng định kết quả nghiên cứu mới sẽ được nhiều chuyên gia khác đặc biệt quan tâm, nhất là những người đang theo đuổi các báo cáo liên quan đến khả năng xử lý đa giác quan của não.

Những cuộc nghiên cứu trước cũng đã đưa ra giả thuyết rằng người khiếm thính có thể sử dụng bộ não khác với người có khả năng nghe bình thường. Chẳng hạn như họ cảm giác nhạy hơn và nhìn tốt hơn người khác.

Trong cuộc nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu đeo thiết bị giống tai nghe, trong khi nằm bên trong máy quét cộng hưởng từ (MRI). Nhóm chuyên gia tạo ra các kích thích cảm giác và hình ảnh, đồng thời quan sát vỏ não thính giác để xem khu vực này phản ứng như thế nào.

Kết quả cho thấy vùng vỏ não trên ở người điếc tập trung mạnh vào khả năng cảm giác, thậm chí còn cao hơn cả việc xử lý hình ảnh.

Nguồn: Thanh Niên Online