TẦM QUAN TRỌNG CỦA ÂM THANH HỌC LẮNG NGHE

TẦM QUAN TRỌNG CỦA ÂM THANH HỌC LẮNG NGHE

Trẻ khiếm thính được can thiệp sớm (bằng máy trợ thính hay ốc tai điện tử) và phụ huynh cần làm quen với Âm thanh Học Lắng nghe trong thời gian đầu. Đây là một hoạt động nổi bật trong tiến trình phát triển ngôn ngữ nghe – nói cho trẻ khiếm thính.

Âm thanh Học Lắng nghe là gì?

Âm thanh Học Lắng nghe là một phần bình thường của trẻ con bình thường khi học nghe – học nói trong tiến trình đắc thủ ngôn ngữ mẹ đẻ;

Âm thanh Học Lắng nghe là từ – cụm từ mô tả những âm thanh, những đặc điểm của những sự vật, sự việc rất sinh động, thú vị khi nghe, dễ bắt chước, gần gũi với trẻ trong giai đoạn đầu học ngôn ngữ.;

Chúng có thể là những từ tượng thanh, mô phỏng âm thanh của con vật, đồ vật, phương tiện giao thông, hoạt động của con người … được phát ra trong tự nhiên.

Ví dụ: chip chíp (tiếng gà con), tích tắc tích tắc (tiếng đồng hồ), bíp bíp (tiếng ô tô), cốc cốc (tiếng gõ cửa), hu hu (tiếng khóc);…

Chúng cũng có thể là những từ tượng hình, gợi tả hình ảnh hoạt động – vẻ bề ngoài của sự vật.

Ví dụ: nhúc nhích nhúc nhích (hình ảnh con sâu di chuyển), xoa xoa xoa (rửa tay), vằn vằn (các đường vằn trên lông hổ/cọp), quặp (hành động táp mồi của cá sấu), quay quay quay (hoạt động của máy bay trực thăng),…

Chúng thường là những từ láy:

– Láy toàn bộ.

Ví dụ: cạp cạp, măm măm,…

– Láy bộ phận.

ví dụ: xình xịch xình xịch, vo ve vo ve …

Có khi chúng không phải là từ láy,

Ví dụ: cục tác cục tác (tiếng gà mái), ụm bò (tiếng bò), úi cha! (hình ảnh bị té ngã)…

Có khi chúng là một từ kéo dài,

Ví dụ: hí … í (tiếng ngựa hí), re.e.eng (tiếng chuông kêu)…

Tại sao ta phải dùng các Âm thanh Học Lắng nghe khi phát triển ngôn ngữ nghe nói cho trẻ?

  • Để trẻ (khiếm thính) được tiếp cận sự phát triển bình thường về ngôn ngữ nói của trẻ nghe bình thường;
  • Để khuyến khích trẻ chú ý lắng nghe âm thanh trong môi trường xung quanh trẻ vì chúng thật thú vị – sống động;
  • Để tạo điều kiện cho trẻ nhận biết các âm thanh có những cung bậc – kiểu mẫu khác nhau về độ dài, độ lớn, độ cao.
  • Để giúp trẻ hiểu rằng các âm thanh khác nhau được phát ra từ những nguồn khác nhau, do đó chúng có những ý nghĩa khác nhau;
  • Để trẻ hiểu rằng trẻ có thể dùng âm thanh khác nhau để nói lên ý nghĩ, mong muốn của mình khi giao tiếp;
  • Để trẻ có cơ hội luyện tập các âm vị và trải nghiệm tất cả những âm thanh lời nói trong ngôn ngữ bao gồm những phương thức phát âm, việc rung hay không rung dây thanh và những vị trí cấu âm khác nhau cách tự nhiên, không gò ép;

Vì Âm thanh Học Lắng nghe là một phần của sự phát triển của trẻ nghe bình thường, và trẻ khiếm thính cần được phát triển theo các mốc phát triển của trẻ con bình thường nên phụ huynh cần cùng trẻ khiếm thính chơi với Âm thanh Học Lắng nghe vào giai đoạn đầu mới được bật ốc tai điện tử hoặc mới được lắp máy trợ thính.

Nguồn tham khảo:
– Rhoades, E.A. (2007). Sound-object associations,
– Hearing First Blog, A new take on Learning to Listen Sounds.