Chút trải lòng nhân ngày thính giác thế giới

Bạn đã từng trải qua cảm giác khó chịu, thậm chí cáu gắt khi bỗng nhiên một ngày nào đó chính mình không nghe được âm thanh xung quanh?

Bị mất thính lực đột ngột xảy ra với bất kỳ ai vài lần trong cuộc đời bởi nhiều nguyên nhân. Dù là gì chăng nữa thì việc thay đổi một trong số các giác quan ấy cũng làm xáo trộn cuộc sống chính bạn.

Với những người khiếm thính, chuyện này rất đỗi bình thường vì cả cuộc đời của họ đã được làm quen với điều đó. Họ có thể nghe bằng ánh mắt, bằng ngôn ngữ kí hiệu và bằng thiết bị hỗ trợ.

Trong y học, sự điếc có nhiều nguyên nhân từ bẩm sinh cho đến tai nạn ngoài ý muốn, nhiều mức độ khác nhau từ nặng đến nhẹ…

  • Những em bé mới sinh ra và đến giai đoạn tập nói, nếu không có cách điều trị phù hợp sẽ dẫn đến mất khả năng nghe nói hay;
  • Những người trưởng thành bị stress vì công việc, bị trầm cảm sau sinh cũng sẽ dẫn đến mất thính lực đột ngột.

Tuy nhiên, dù là lí do gì đi chăng nữa, thì việc mất khả năng nghe trở thành một chướng ngại rất lớn. Nó thành một rào cản trong giao tiếp với xã hội.

Tai chúng ta hoạt động trên nguyên tắc sử dụng ốc tai-màng nhĩ, đó là một tổ hợp gồm nhiều tế bào lông thính giác bám trên chuỗi xoắn ốc tương ứng với các dãy tần số nghe khác nhau. Khi chúng ta mất khả năng nghe ở dãy âm thanh nào đó chính là do các tế bào đó bị rơi rụng. Điều hết sức đặc biệt là các tế bào lông thính giác này hoàn toàn không thể tự hồi phục được.

Hiện nay với sự phát triển của công nghệ y học, tùy theo mức độ mất thính lực mà có giải pháp trợ thính khác nhau. Nếu các tế bào thính giác vẫn còn thì bạn có thể sử dụng máy trợ thính, nếu mất hẳn tế bào thính giác và máy trợ thính không sử dụng tiếp tục được nữa thì bạn phải sử dụng giải pháp cực kỳ tốn kém: Cấy ốc tai điện tử.

Người khiếm thính vốn dĩ đã thiệt thòi, hành trình lấy lại âm thanh cũng cực kỳ gian nan và chẳng dễ dàng như chúng ta tưởng.

Khi bạn đến nơi công cộng, làm thế nào bạn biết được đó là một người khiếm thính? Tôi liệt kê một số trường hợp dễ nhận thấy nhất:

  • Những người già lãng tai.
  • Những người có sử dụng thiết bị trợ thính (nếu quan sát thấy được).
  • Những người sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu (trường hợp này chưa chắc, có thể họ chỉ là người biết sử dụng NNKH).
  • Người luôn im lặng, có vẻ ít nói; ánh mắt luôn nhìn vào mặt bạn, miệng của bạn để quan sát khẩu hình; luôn yêu cầu bạn lặp lại một vấn đề nào đó…và quan trọng nhất là giọng nói ngọng rất đặc trưng hoặc nói một thứ âm thanh không thật tròn trịa.
    (Nhưng đừng dại hỏi họ có phải là người nước ngoài không? Đây là một câu hỏi cực kỳ khó chịu và tổn thương, khiến họ ngại giao tiếp hơn đấy.)

Những năm gần đây, do vấn đề an toàn trong đại dịch COVID-19, mọi người bắt buộc phải sử dụng khẩu trang khi ra ngoài. Điều này khiến công cuộc hòa nhập xã hội của người khiếm thính lại càng khó khăn hơn. Dù là đi bệnh viện hay đến nơi công sở, trường học. Họ cố gắng đoán ý từ những âm thanh lõm bõm được mất qua lớp khẩu trang, hay cố gắng tìm thông tin từ những nơi có dòng chữ, bảng hiệu, thông báo… Đôi khi, giao tiếp được qua một tờ giấy – một cây viết cũng khiến họ mừng rỡ như thế nào. Tuy nhiên, tôi từng bắt gặp thái độ khó chịu của một số người khi được nhờ giúp đỡ.

Bạn biết không? Bản thân tôi cũng là một người khiếm thính. Tôi có thể tốt nghiệp đại học và đi làm cũng nhờ nhiều người hỗ trợ khi gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi cũng mong mọi người hiểu những khó khăn của chúng tôi và giúp đỡ để chúng tôi hòa nhập dễ dàng hơn.

Trần Công Thành – Viết nhân Ngày thính giác Thế Giới 03/03/2022