TRẺ KHIẾM THÍNH Ở TỈNH XA

Liệu ai biết rằng, những đứa trẻ ở tỉnh xa, đặc biệt là đứa trẻ khiếm thính sẽ có một cuộc sống khác biệt như thế nào?

Trong những câu chuyện trên báo chí, chúng ta thường thấy cuộc sống của những đứa trẻ ở tỉnh xa là những câu chuyện về sự thiếu thốn vật chất, sự nghị lực vươn lên nghèo khó và những trò chơi dân dã đáng yêu. Nhưng những đứa trẻ ở tỉnh xa – đặc biệt là đứa trẻ khiếm thính, sẽ có một cuộc sống khác biệt như thế nào?

Trần Công Thành và các bạn cùng lớp.

Ở những nơi xa xôi, trẻ khiếm thính rất ít cơ hội tiếp cận cơ sở giảng dạy chuyên biệt tập trung như ở thành phố lớn. Những đứa trẻ này, nếu may mắn – trong đó có tôi – sẽ được học với những học sinh bình thường ở các trường giáo dục phổ thông. Những bạn khác sẽ được gửi học ở trường giáo dục thường xuyên để được học trễ hơn, học chậm hơn.

Về giáo viên thì lại càng khó, các giáo viên đa số không có kinh nghiệm sư phạm trong việc giảng dạy trẻ khiếm thính. Giáo trình chỉ hướng vào đối tượng học sinh bình thường. Thời gian cũng đã eo hẹp lắm, nói chi đến việc sâu sát cho học sinh khiếm thính. Những năm tiểu học, thường các cô giáo sẽ kèm cặp từng em học sinh, lên các cấp bậc cao hơn đòi hỏi các học sinh phải tự chủ trong việc học. Vì vậy, trẻ khiếm thính thường học rất thụ động trong lớp do không hiểu bài, mà hỏi lại cũng nghe khó khăn. Nhiều em phải chọn giải pháp học thêm ngoài giờ để bắt kịp chúng bạn trên lớp.

Một cái khó khăn không kém đối với trẻ khiếm thính ở tỉnh xa là những khi máy trợ thính bị trục trặc cần sửa chữa. Do hoàn cảnh kinh tế nên mỗi trẻ khiếm thính chỉ có thể sở hữu được 1 máy trợ thính chính, nếu gia đình khá giả thì mới có thể có 1 máy sơ cua khác. Vì vậy, mỗi khi trục trặc máy trợ thính sẽ rất tốn thời gian để sửa, ảnh hưởng nhiều đến việc học.

Tôi nhớ năm tôi học lớp 12, những tháng ngày ôn thi tốt nghiệp, đại học là những lúc căng thẳng nhất, thế nhưng có lần máy trợ thính của tôi bất ngờ bị trục trặc đã phải gửi lên thành phố sửa, lúc này tôi cũng không có máy sơ cua. Không thể nghỉ việc học chỉ để chờ máy trợ thính được sửa xong vì đang trong giai đoạn nước rút nhất. Tôi đành phải lên lớp ngồi “nghe” bằng cách nhìn khẩu hình miệng thầy cô hoặc căn cứ vào những gì thầy cô chép lên bảng để hiểu sơ qua nội dung. Nếu khó quá tôi nhờ bạn bè giải thích lại những nội dung bài học, từ nào không nghe được bạn tôi sẽ viết ra giấy cho tôi hiểu.

Những tình huống thời học trò luôn đáng nhớ và đáng yêu. Đây là điều mà người khiếm thính ai cũng gặp trong đời khi học trường hòa nhập. Những kỷ niệm làm tôi nhớ mãi!

Trần Công Thành