Trí nhớ thính giác với trẻ khiếm thính

Trí nhớ thính giác với trẻ khiếm thính

Trí nhớ thính giác với trẻ khiếm thính

Trí nhớ thính giác có vai trò quan trọng trong việc hình thành khả năng ngôn ngữ. Trẻ khiếm thính nghe khó khiến cho việc hình thành trí nhớ thính giác chậm hoặc bị gián đoạn. Giải pháp phổ biến hiện nay là can thiệp sớm bằng thiết bị trợ thính và trị liệu ngôn ngữ.

Trí nhớ thính giác là gì ?

Trí nhớ thính giác là một quá trình tâm lý trong hoạt động sinh sống của con người, trong đó con người tiếp nhận những thông tin được đưa đến qua kênh nghe, xử lý, lưu giữ trong tâm trí và tái hiện những thông tin ấy khi cần.

Nó là một hoạt động sống động luôn diễn ra trong tâm trí con người khi con người tương tác với nhau qua kênh nghe nói.

Nhu cầu luyện tập trí nhớ thính giác ở trẻ khiếm thính

Do bị giảm thính lực nên trí nhớ thính giác của trẻ khiếm thính chưa được kích hoạt từ trong bào thai hoặc trước khi can thiệp bằng thiết bị trợ thính. Trẻ cần luyện tập trí nhớ thính giác để có thể ghi nhớ và tái hiện được những kích thích âm thanh dài, những âm thanh đã được lưu giữ trong thời gian dài.

Nói cách khác, trẻ khiếm thính cần được luyện tập các kỹ năng lắng nghe âm thanh như:

– Kỹ năng phát hiện.
– Kỹ năng phân biệt âm thanh khác nhau.
– Kỹ năng nhận biết, kỹ năng hiểu âm thanh.

Song song đó, trẻ cần được huấn luyện để nghe – hiểu âm thanh lời nói vì lời nói chiếm vị trí quan trọng nhất trong hoạt động giao tiếp – tương tác giữa người với người. Nó là một quá trình tích hợp và có sự trùng lặp ở các kỹ năng trên.

Trong các loại trí nhớ của con người, trí nhớ thính giác đóng vai trò quan trong trong việc ghi nhớ, lưu giữ, truy cập và sử dụng các thông tin về mặt thính giác với một số đặc điểm như: độ lớn, độ dài, độ cao và sắc thái riêng biệt.

Trẻ khiếm thính gặp khó khăn trong việc nhớ lại những thông tin thính giác. Đặc biệt khi trẻ phải hiểu nhiều thành tố trong lời nói của người khác. Độ dài của lời nói càng dài thì càng khó ghi nhớ, khó tái hiện. Đặc biệt là những chuỗi thông tin đã được tiếp cận vào một thời điểm nào trước đó. Trẻ cũng gặp khó trong việc lưu giữ thông tin theo thứ tự để khi cần thì tái hiện theo thứ tự.

Trẻ khiếm thính cần được luyện tập nâng dần việc nhớ độ dài của thông tin thính giác, nâng dần mức độ của trí nhớ thính giác đối với lời nói.

 

>>> tham khảo thêm: TẦM QUAN TRỌNG CỦA ÂM THANH HỌC LẮNG NGHE

Một số điều cần lưu ý khi luyện tập trí nhớ thính giác cho trẻ

1/ Trẻ phải tập trung chú ý để lắng nghe thông tin thính giác vì sự tập trung chú ý giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn.

2/ Liên kết thông tin thính giác trẻ cần lắng nghe với ý nghĩa của nó, làm cho trẻ hiểu được ý nghĩa của lời nói (có thể là từ, là cụm từ, là câu hay là đoạn tùy trình độ).

3/ Các hoạt động luyện tập phải đa dạng, sống động, tạo được sự vui thích ở trẻ.

4/ Các hoạt động phải có mô hình hoặc/và hình ảnh, màu sắc phong phú.

5/ Phải có sự lặp đi lặp lại nhiều lần đối với mẫu lời nói cần ghi nhớ và được luyện tập trong những môi trường sinh hoạt khác nhau. Lặp lại xuyên suốt trong cuộc sống hằng ngày để tạo lối mòn cho các thông tin thính giác. Sự lặp lại có thể là nghe người khác nói mà cũng có thể là nghe chính lời nói có nghĩa của bản thân trẻ.

 

>>> tìm hiểu thêm: PHÁ TAN NHỮNG HIỂU LẦM VỀ THÍNH GIÁC

Một số cách thức giúp phát triển trí nhớ thính giác đối với lời nói ở trẻ khiếm thính

1/ Nhắc trẻ chú ý và giới thiệu âm thanh trẻ cần nghe chỉ bằng thính giác.

2/ Liên kết âm thanh ấy với ý nghĩa của âm thanh, cần có sự củng cố âm thanh. Nghĩa là cung cấp âm thanh kèm với hỗ trợ thị giác.

3/ Tổ chức các hoạt động vui tươi, thú vị, thu hút trẻ để có sự lặp đi lặp lại âm thanh cần ghi nhớ.

4/ Sau khi đã giới thiệu được một số âm thanh (từ ngữ, cụm từ, câu), cần đánh giá sự nghe nhận biết các từ ngữ, cụm từ, câu, đoạn ấy.

– Bắt đầu từ bộ kín từ ít đến nhiều đối tượng hơn, dần đến bộ mở. Bộ kín nhỏ nhất là 3 đối tượng.
– Bắt đầu từ sự nhận biết 1 thành tố then chốt trong bộ nhỏ đến bộ lớn hơn; sau đó là 2, 3, 4 hay hơn 4 thành tố then chốt trong những bộ kín lớn, rồi bộ mở.
– Bắt đầu được gợi ý phạm trù, ví dụ: Giờ chúng ta nói về nhà bếp”, sau đó thì không có giới hạn phạm trù.
– Bắt đầu là thành tố then chốt, sau đó những đặc điểm của sự vật – sự việc hay chi tiết của câu chuyện.

5/ Trong quá trình luyện tập trí nhớ thính giác cho trẻ, cần động viên – khuyến khích trẻ lặp lại, nhẩm lại nhiều lần yêu cầu của mẹ/cô để trẻ ghi nhớ cách tích cực.

6/ Khuyến khích và hỗ trợ trẻ kể lại những sự việc, những sự kiện xảy ra trong nhà, trong ngày mà trẻ có cơ hội được trải nghiệm.
Ví dụ: “Lúc nãy, đi chợ về, mẹ với con làm gì?” hoặc khi đi ngủ, cùng con ôn lại những điều con đã làm, đã xem thấy trong ngày: “Hôm nay, con làm được những gì?”.

7/ Nếu thông tin thính giác cần ghi nhớ có độ dài vượt khả năng ghi nhớ của trẻ, trẻ không ghi nhớ hoặc tái hiện được cả câu dài vì nó có nhiều thành tố then chốt thì phân ra và gom lại theo nhóm.
Ví dụ: thay vì phải nhớ 12345678, trẻ có thể nhớ được 123 456 78.

8/ Con người có nhiều kiểu học khác nhau, có thể có những trẻ khiếm thính có ưu thế về học qua trực quan nên chúng ta có thể luyện cho trẻ nghe âm thanh lời nói, liên tưởng đến hình ảnh của lời nói khi ghi nhớ.

9/ Ngoài việc luyện tập cho trẻ khiếm thính ghi nhớ độ dài của thông tin thính giác, phụ huynh còn cần luyện cho quá trình tái hiện thông tin thính giác của trẻ nhanh chóng hơn. Phụ huynh cung cấp cho trẻ một yêu cầu bằng lời mà trẻ phải thực hiện một hoạt động thể chất nào đó như đi một ít bước chân, lấy một cái gì đó… trước khi lặp lại lời nói ấy hoặc thực hiện việc ấy.
Ví dụ: “Con lên lầu lấy giúp mẹ cái điện thoại.”, “Con lau bàn rồi đưa khăn cho mẹ nha.”…

Điều cần ghi nhớ là phụ huynh hãy thực hiện việc nâng tần suất sử dụng ngôn ngữ của trẻ, củng cố trí nhớ thính giác của trẻ qua việc nạp cho trẻ lắng nghe trong mọi nơi – mọi lúc. Kiểm tra việc hiểu của trẻ ở mọi chốn – mọi khi một cách tự nhiên như việc sai bảo trẻ làm các việc vặt trong nhà mà không có gợi ý bằng hành động – cử chỉ – ánh mắt. Phụ huynh nói tự nhiên và chỉ dùng lời nói:

“Lấy cho mẹ …”,
“Con … (quét nhà, đóng cửa …) đi!”,
“Con lấy …đưa cho …”,

 

Nếu bạn hoặc người thân đang có những triệu chứng bất thường liên quan đến thính giác hay liên hệ ngay với chúng tôi Trợ Thính Quang Đức qua hotline 1800 1056 để được tư vấn miễn phí và hỗ trợ sớm nhất.