KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI LÃO THÍNH

KẾT NỐI CỘNG ĐỒNG CHO NGƯỜI LÃO THÍNH

Giống như thị giác, sự suy giảm thính giác ở người cao tuổi là điều tất yếu. Tuy nhiên theo quan niệm chung thì người cao tuổi đeo cặp kính lão là chuyện thông thường, nhưng xã hội chưa quen với việc đôi tai của các ông các bà có đeo máy trợ thính. Điều đó gây nên tâm lý mặc cảm, từ chối không chịu sử dụng máy trợ thính khi họ bị suy giảm thính lực.

Hiện tượng lão thính ở người cao tuổi

Theo điều tra bước đầu tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, mức suy giảm thính giác cần phải có máy trợ thính ở người có độ tuổi từ 60 tới 74 là 36,61% (đối với nam) và 27,38% (đối với nữ). Độ tuổi từ 75 tuổi trở lên, tỷ lệ này tăng lên đáng kể: Nam là 65,08% và nữ là 57,60%.

Sự suy giảm thính giác thường khiến người cao tuổi có tâm lý tách khỏi cộng đồng, ngại giao tiếp, họ cảm thấy đơn độc ngay trong gia đình của mình. Người bị nghe kém trong giao tiếp hàng ngày thường nói to và những người khác cũng phải nói to, thậm chí phải ghé miệng vào tai để nói với họ. Trong sinh hoạt họ phải mở đài, tivi hoặc các thiết bị nghe nhìn khác với cường độ lớn… Những điều đó đã gây nên không ít phiền toái cho họ và những người xung quanh. Có không ít những mâu thuẫn nảy sinh trong gia đình có người bị nghe kém, đặc biệt khi đó lại là những bậc cao niên trong nhà.

Mức độ suy giảm thính lực ở người cao tuổi diễn biến chậm trong nhiều năm, thường bắt đầu giảm từ tần số cao không nằm trong vùng tần số giao tiếp, do đó người bị lão thính khó nhận ra sự suy giảm thính giác của mình. Chỉ đến khi sức nghe giảm nhiều, có khó khăn trong giao tiếp, lúc đó người bị lão thính mới đi khám và thường nhầm lẫn thông báo cho bác sĩ là bị điếc đột ngột. Có một số trường hợp cảm giác ban đầu của quá trình lão thính thường có những tiếng ù trong tai. Những tiếng ù tai có thể thoáng qua nhưng dần dần sẽ tăng dần cả về cường độ và thời gian. Tuy nhiên không phải cứ bị ù tai là do lão thính. Những suy giảm thính lực do nguyên nhân lão thính không có khả năng điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Giải pháp duy nhất là phải đeo máy trợ thính khi sức nghe bị suy giảm ảnh hưởng tới giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.

Sử dụng máy trợ thính

Đối với lão thính, khoảng cách giữa ngưỡng nghe và ngưỡng đau bị thu hẹp do những thoái hóa của quá trình dẫn truyền và tiếp nhận âm thanh. Thêm vào đó những thoái hóa của tai trong còn gây ra hiện tượng hồi thính làm cho các âm thanh được tiếp nhận bị méo cả về cường độ và tần số, do vậy nếu không được chỉ định và hiệu chỉnh máy đúng lúc và đúng kỹ thuật thì máy trợ thính dù là loại kỹ thuật tốt nhất cũng không giúp gì được cho người bệnh.

Một máy trợ thính tốt nhất với mỗi người không phải là máy đắt tiền nhất mà là máy phải đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật tốt nhất như: Phù hợp với ngưỡng nghe đơn âm của người sử dụng máy, đạt tỷ lệ % phân biệt tiếng nói cao nhất, không gây khó chịu hoặc gây đau khi có âm thanh lớn, thuận tiện và phù hợp với nhu cầu và sinh hoạt của người sử dụng.

Máy trợ thính không phải là một máy khuyếch đại âm thanh thông thường mà phải được hiệu chỉnh về kỹ thuật bởi các chuyên gia thính học. Máy chỉ phù hợp với từng người mà không thể dùng chung cho mọi người, do vậy máy trợ thính không thể nhờ người khác mua hộ và cũng không thể mua tặng người khác.

Người cao tuổi bị lão thính có được một máy trợ thính phù hợp là một liệu pháp giúp họ có cơ hội hòa nhập với cộng đồng và gia đình. Chính điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mỗi người.

Nguồn: giadinh.net.vn

Thông tin tham khảo khác:

Các bệnh liên quan đến thính giác bạn cần biết

Dịch vụ cho người đeo máy trợ thính

Các dòng máy trợ thính cho nhiều đối tượng khác nhau:

Video

Chúng ta nghe như thế nào?